Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành dệt may

Theo báo cáo của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), xuất khẩu dệt may vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định, năm 2013 đạt ngưỡng 20 tỷ USD, còn trong sáu tháng đầu năm 2014 đạt 10,21 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ 6 tháng năm 2013.
Một số doanh nghiệp dệt may trong nước có mức tăng trưởng khá, điển hình như Vinatex, kim ngạch xuất khẩu trong sáu tháng đầu năm đạt 1,62 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu cũng tăng 7% so với cùng kỳ. Doanh thu nội địa ước đạt 11 nghìn tỷ đồng.



Sự phát triển của ngành dệt may

Nếu chỉ nhìn vào con số này thì đây thực sự là tín hiệu vui. Tuy nhiên, trên thực tế, giá trị nhập khẩu nguyên, phụ liệu cho sản xuất hàng dệt may xuất khẩu chiếm đến quá nửa, tác động không nhỏ đến giá trị gia tăng của sản phẩm.
Các chuyên gia nhận định, một hướng đi quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh là ngành dệt may cần phải xây dựng được nguồn nguyên vật liệu của chính mình tại Việt Nam. Các doanh nghiệp cần đầu tư có chiều sâu về máy móc, khoa học công nghệ để nâng cao năng lực cung ứng nguyên vật liệu.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Việt Nam là nhà cung cấp sản phẩm may mặc khối lượng lớn với chi phí thấp, có khả năng cạnh tranh về giá, nguồn cung về dịch vụ tiện ích khá rẻ. Đồng thời, các doanh nghiệp có thể tổ chức sản xuất những sản phẩm có chi tiết phức tạp, chất lượng cao nhưng ngành may mặc cần thu hẹp khoảng cách trong chuỗi giá trị thông qua khuyến khích đầu tư vào ngành se sợi và dệt để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Bên cạnh đó, ngành cần đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là hình thức liên doanh với doanh nghiệp trong nước, đồng thời tăng cường đào tạo kỹ năng để cải thiện năng lực cạnh tranh.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét